Để chăm sóc tốt cho một chú chó Shiba Inu, bạn không thể bỏ qua những điều quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển của chúng chính là Chế độ Dinh dưỡng và Vận động phù hợp. Xíu Xíu Kennel sẽ gửi tới các bạn “Kinh nghiệm chăm sóc Chó Shiba Inu” để các bạn có thể chăm sóc cún cưng của mình một cách tốt nhất mà vẫn rất đơn giản dễ dàng.
Chế độ dinh dưỡng dành cho chó Shiba Inu
Mỗi con chó có một chế độ ăn khác nhau phụ thuộc và kích thước, độ tuổi, mức độ vận động & khả năng hấp thụ. Một chú chó vận động nhiều sẽ cần lượng thức ăn lớn hơn một chú chó lười biếng, ít vận động.
Ở mỗi thời kỳ phát triển của Chó Shiba Inu bạn cần cách chăm sóc khác nhau. Dưới đây, Xíu Xíu Kennel đã chia thành 4 giai đoạn phát triển của chó Shiba Inu, mỗi giai đoạn sẽ có một chế độ dinh dưỡng riêng phù hợp với sự phát triển của từng giai đoạn đó.
Chó Shiba Inu từ 2 – 3 tháng tuổi
Đây là giai đoạn khi đường ruột và răng của chó con còn yếu, bạn nên cho các bé ăn các loại thịt mềm, rau củ kèm hạt khô. Với hạt khô chúng ta có thể ngâm cùng nước ấm hoặc nước nấu thịt và củ quả trước 5 phút cho hơi mềm ra rồi bắt đầu cho chó con ăn.
Ở giai đoạn này, mỗi ngày chó con cần ăn đủ 2 – 3 bữa. Mỗi bữa, chúng cần lượng thức ăn vừa phải với từng cá thể, không được ăn quá tránh quá no sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa gây đi ngoài, đi ngoài nhiều sẽ gây mất nước rất nguy hiểm cho chó con.
Chó Shiba Inu từ 4 – 6 tháng tuổi
Giai đoạn này, cún bắt đầu thời kì mọc răng và thay lông đầu tiên vì vậy chúng cần một chế độ dinh dưỡng cao hơn, các loại canxi, vitamin, dầu cá và đạm là những thứ cần bổ sung nếu bạn muốn chú chó Shiba Inu của bạn có bước đệm để phát triển một cách toàn diện. Các loại thực phẩm như thịt gà, thịt bò, thịt heo, chim cút, các loại trứng… nên được bổ sung vào thực đơn dành cho cún.
Các loại vitamin, canxi…nên dùng đều 1 tháng rồi nghỉ 1 tháng sau đó tiếp tục sử dụng chứ không dùng đều không có quãng nghỉ.
Trong độ tuổi này, chó con bắt đầu rất hiếu động và vận động rất nhiều. Khung xương của chó Shiba Inu giai đoạn 4-6 tháng tuổi đang phát triển mạnh. Xương và các khớp nối của chó con lúc này khá mong manh nên rất dễ bị chấn thương,hạ bàn… nếu không được theo dõi cẩn thận. Bạn nên có một chế độ dinh dưỡng hợp lí kèm vận động vừa phải cho chó con vào giai đoạn này.
Chó con ở giai đoạn từ 4 – 6 tháng tuổi, bạn nên cho chúng ăn 2–3 bữa mỗi ngày.
Chó Shiba Inu trên 7 tháng tuổi
Khi Shiba Inu được từ 7 tháng tuổi trở lên, chúng bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì, đi kèm với đó là sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt.
Lúc này bạn vẫn cần duy trì chế độ ăn uống tốt, bổ sung đều đặn canxi, vitamin và các loại thực phẩm giàu đạm để chúng được phát triển một cách toàn diện nhất.
Chó Shiba Inu trên 7 tháng tuổi cần được ăn đầy đủ 2 bữa mỗi ngày và được vận động hợp lí để khung xương gọng được phát triển nở nang mang lại dáng vẻ kiêu hãnh cho chúng.
Chó Shiba Inu từ 12 tháng trở lên
Giai đoạn này, khung xương đã phát triển gần như tối đa. Chúng đã có dáng vẻ của một chú chó Shiba Inu trưởng thành với bộ lông dày đẹp đẽ nếu được chăm sóc tốt.
Khi đã ngoài 1 tuổi chúng ta có thể tạm coi là chúng đã trưởng thành và tiếp tục chăm sóc ăn uống theo một chế độ hợp lý.
Lúc này vẫn nên duy trì cho chú chó của bạn đủ 2 bữa một ngày.
Nước uống
Nước cũng là một yếu tố quan trọng bảo vệ sức khỏe của cún cưng. Nguồn nước sạch làm giảm khả năng mắc các bệnh về đường ruột và tiêu hóa của chó. Một chú chó có thể nhịn ăn vài ngày, nhưng không thể thiếu nước 1 ngày. Vậy nên bạn cần đảm bảo luôn luôn đủ nước cho chúng để chúng có thể uống khi cần, đặc biệt vào mùa hè.
Tuyệt đối không cho chú chó Shiba Inu của bạn ăn xương và một số thực phẩm gây hại cho chó dưới đây
- Nho, nho khô
- Hành tỏi, hành tây, hẹ
- Snack, thịt muối, thịt hun khói, khoai tây chiên
- Thức ăn quá mặni
- Cafe, socola, cacao
- Xylitol, bơ đậu phộng
- Thức uống có cồn
- Ốc sên và các loại thức ăn viên cho sên
- Đồ ăn ngọt
- Thịt cóc
- Các loại xương đặc biệt là xương ống
Tìm hiểu kĩ hơn về cách thực phẩm gây hại cho chó tại đây ” Những thực phẩm gây hại cho chó”
Chăm sóc lông cho chó Shiba inu
Shiba inu có 1 lớp lông dài và bóng bên ngoài với sợi lông dày và hơi cứng không thấm nước cùng một lớp lông bông mịn bên trong. Chúng rất sạch sẽ và không có mùi cơ thể nên không cần tắm quá thường xuyên. Tắm quá thường xuyên sẽ khiến lớp da của chúng mất đi 1 lớp dầu bảo vệ nhất định khiến da khô và yếu hơn. Thời gian tắm sau mỗi lần tốt nhất là 10-15 ngày 1 lần, trừ khi bị dính bẩn cơ thể hoặc gặp mưa ướt người mới nên tắm nhiều hơn.
Shiba Inu rụng lông hai lần một năm, mỗi lần khoảng 3 – 4 tuần. Mỗi khi đến kì rụng lông, chúng ta nên chải lông 1,2 ngày 1 lần để giúp chúng đẩy nhanh quá trình thay lông. Việc chải lông cũng khiến lông của chúng khi thay không ảnh hưởng chung tới sinh hoạt gia đình.
Chúng ta tuyệt đối không nên cạo hoặc cắt lông của Shiba inu vì chúng cần có lớp lông để bảo vệ cơ thể khỏi nhiệt độ bên ngoài, bảo vệ da không bị tác động bên ngoài gây mẩn ngứa. Việc cạo hoặc cắt lông chỉ nên diễn ra khi chúng bị viêm, nấm da quá nặng, thuốc không thể bôi qua lớp lông nên cần cạo, cắt lông đi để chữa trị.
Về mặt thẩm mỹ, nếu bạn cạo hết lông của chó Shiba đi, lớp lông mới mọc lại sẽ không còn mềm mại và mịn được như cũ nữa.
Chăm sóc khác
- Để chăm sóc tốt một chú chó Shiba Inu, bạn cần thường xuyên chú ý và vệ sinh móng, kiểm tra tai, răng miệng và da của chúng.
- Cắt móng thường xuyên 1-2 lần/tháng nếu chó không vận động nhiều để mòn tự nhiên. Lưu ý: tuyệt đối không cắt vào phần chân móng có màu hồng sẽ gây chảy máu khiến chó sợ cắt trong các lần tiếp theo khi thấy đồ cắt móng. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm nên tham khảo người đã nuôi chó hoặc bác sĩ thú y.
- Kiểm tra tai thường xuyên hàng tuần xem có chất bẩn, mẩn đỏ, ve rận ghẻ ngứa hay mùi hôi không. Khi kiểm tra tai, bạn có thể lau sạch bằng bông chuyên dụng với nước ấm hoặc dung dịch vệ sinh tai. Không nhét dị vật vào ống tai, chỉ làm sạch phần vành tai bên ngoài.
- Tập cho chó quen với việc được vệ sinh ngay từ khi còn nhỏ. Thường xuyên kiểm tra bàn chân, miệng của chó. Khen ngợi đúng lúc khi chăm sóc, vệ sinh cho cún để cún thấy việc này là thú vị. Điều này cũng giúp cho việc khám thú y (nếu có) sau này của cún dễ dàng hơn khi trưởng thành.